Ô nhiễm rác thải nhựa cấp độ quốc tế và sự cần thiết nâng cao nhận thức cộng đồng

Thời gian đọc: 6 phút

 

Rác thải nhựa (RTN) đang trở thành “quan tâm chung của loài người” khi số lượng và sự kém quản lý đang tạo ra một trong những mối đe dọa nghiêm trọng cho các hệ sinh thái môi trường, đất liền, sông suối, biển, lòng đất. RTN có ở khắp mọi nơi, tác động đến mọi mặt của cuộc sống từ sản xuất, tái chế, tiêu dùng. Với tính bền vững và tính không hòa tan tác động của RTN có thể ảnh hưởng hàng trăm đến hàng ngàn năm, tác động đến quyền và lợi ích của thế hệ hiện tại và tương lai. Liên hợp quốc đã khởi động nhiều chương trình quản lý RTN trong chiến dịch “Mục tiêu phát triển bền vững”. Quản lý RTN không chỉ là nghĩa vụ cá nhân mà của tập thể, không chỉ một quốc gia mà cần có sự hợp tác phối hợp của nhiều quốc gia.

Trong vòng một thế kỷ, nhựa và vi nhựa đã trở thành một phát minh vĩ đại, là vật liệu được ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nhựa và vi nhựa được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp đóng gói, ô tô, xây dựng, vân tải, hàng không vũ trụ, trong các siêu thị, đồ dùng gia đình, quần áo tới trường học và là thói quen khó bỏ của người tiêu dùng. Nhựa góp phần làm cuộc sống hiện đại hơn, dễ chịu hơn, tiện lợi hơn. Tuy nhiên, rác thải nhựa là thách thức môi trường chính của thế giới ngày nay do những đặc thù của mình.

  1. Tính phổ biến và tiện lợi của đồ dùng nhựa đã tăng mức độ sản xuất vượt quá khả năng xử lý chất thải

Nhựa đã trở thành vật liệu sản xuất đứng thứ ba thế giới chỉ sau xi măng và thép. Hơn 50% các vật phẩm nhựa chỉ dùng một lần. Khoảng 80% nhựa sản xuất ra trở thành rác thải chỉ sau một năm và tạo nên lượng ô nhiễm khổng lồ. Một nửa tổng số nhựa từng được sản xuất được làm ra chỉ trong 13 năm qua, nhưng chỉ có khoảng 9% nhựa được tái chế, 12% được đốt và 79% bị tích luỹ trong các bãi chôn lấp hoặc trong môi trường tự nhiên.[1]

Theo Báo cáo của Liên hợp quốc, hàng năm có khoảng 500,000,000,000 túi nhựa được sử dụng; 13,000,000 tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương; 17,000,000 thùng dầu được sử dụng để sản xuất vật dụng nhựa; 1,000,000 chai nhựa được mua mỗi phút.[2]

 

  1. Rác thải nhựa có mặt ở khắp mọi nơi

RTN có mặt ở khắp mọi nơi từ Bắc cực, Nam cực, dãy núi Hymalaya tới sông suối, lòng đất và không khí, từ những nơi đông dân đến những nơi hẻo lánh. Nó ảnh hưởng đến an toàn và chất lượng thực phẩm, sức khỏe con người, du lịch sinh thái và biến đổi khí hậu. Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), hàng năm, có khoảng 8 – 13 triệu tấn rác nhựa bị đổ ra biển, ước tính thiệt hại tới hệ sinh thái lên đến 13 tỷ USD. 100,000 sinh vật biển đã chết vì ô nhiễm RTB.[3] Tới 2025, tỷ trọng rác nhựa và cá biển là 1:3 nhưng dự báo đến năm 2050, tỷ lệ này sẽ là 1:1 tức nhựa và cá ngang bằng nhau, tức cứ 1 tấn cá thì có 1 tấn RTN tương ứng ở đại dương.[4]

 

  1. Sự tồn tại của rác thải nhựa và mối quan hệ với môi trường

RTN tồn tại bền vững ít nhất 100 năm hoặc có thể đến 5000 năm trong môi trường nên mức độ tác hại môi trường là nghiêm trọng, ảnh hưởng không chỉ lợi ích thế hệ hôm nay mà cả thế hệ mai sau.

RTN có mối quan hệ chặt chẽ với biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học. RTN bị thiêu hủy có thể đưa vào khí quyển khoảng 1.34 gigatons một năm vào năm 2030 tương đương với lượng khí thải của 295 nhà máy nhiệt than 500 megawat.[5]

 

  1. Biện pháp quản lý RTN

Sự thiếu hụt và thực thi không đầy đủ các biện pháp quản lý, tái chế, tái sử dụng sản phẩm nhựa và ủng hộ việc nghiên cứu, sang chế các sản phẩm mới thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần nhằm ngăn chặn và giảm thiêu ô nhiễm nhựa.

Vấn đề chống RTN là một trong những mục tiêu thiên niên kỷ SDG và chương trình hành động 2030 của LHQ. Trong mục tiêu số 14 về phát triển về vững biển và đại dương đã xác định mục tiêu đến năm 2025 “giảm đáng kể các nguồn gây ô nhiễm biển, đặc biệt là ô nhiễm môi trường biển từ đất liền”. Tại khóa họp lần thứ 73 của ĐHĐ LHQ, tháng 9-10 năm 2018, María Fernanda Espinosa Garcés, Chủ tịch ĐHĐ đã đưa vấn đề bảo vệ môi trường khỏi ô nhiễm rác thải nhựa là một trong 7 ưu tiên của Khóa họp. Bà phát biểu: “Nếu chúng ta chiến thắng cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa – đó không chỉ là thắng lợi hữu hình cho con người và hành tinh, mà còn là thí dụ rõ ràng về việc làm thế nào Liên hợp quốc là thiết yếu đối với cuộc sống của các công dân trên toàn thế giới”.[6] UNDP đã có hai Nghị quyết, một về chống ô nhiễm rác thải và một về đồ dùng nhựa sử dụng một lần. Tại các khóa họp 3 và 4, UNEP đã đưa ra khẩu hiệu (hướng tới một hành tinh không có ô nhiễm -“Towards a Pollution-Free Planet”) và Kế hoạch hành động , trong đó định rõ 5 lĩnh vực hành động chủ đạo để khắc phục các khoảng trống và các thách thức liên quan đến ô nhiễm RTN là: Kiến thức, Thực thi, Cơ sở hạ tầng, Nhận thức và lãnh đạo (Knowledge, Implementation, Infrastructure, Awareness, and Leadership).

Tháng 9/2019, các nước Bắc Âu kêu gọi LHQ triệu tập một Hội nghị quốc tế thông qua Công ước quốc tế về chất thải nhựa. Germany, Ecuador, Ghana và  Việt Nam tham gia Hội nghị Bộ trưởng về ô nhiễm rác thải nhựa và rác thải biển họp dưới dạng hybrid tại Geneva,  1-2, tháng 9 năm 2021 đưa ra ủng hộ chính trị về ý tưởng có một thỏa thuận quốc tế về ô nhiễm rác thải nhựa và rác thải biển và việc chuẩn bị sẽ được tiến hành tại Đại Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA) họp tại Nairobi tháng 2/2022.[7] LHQ cũng cử Bảo cáo viên đặc biệt về các chất độc hại và quyền con người, Marcos Orellana, chuẩn bị báo cáo chuyên đề về vòng đời của vật liệu nhựa và quyền con người tại khoa họp 76 của ĐHĐ LHQ tháng 9/2021.  Việt Nam đăng cai Hội nghị quốc tế về chống RTN tháng 12/2021.

Bên cạnh UNEP, các cơ quan bổ trợ khác của LHQ trong các lĩnh vực đều thúc đẩy các sáng kiến kiểm soát ô nhiễm chất thải nhựa trong lĩnh vực chuyên môn. IAEA là một trong những tổ chức đi đầu trong triển khai khoa học và ký thuật hạt nhân kiểm soát chất thải nhựa thông qua sang kiến Kỹ thuật hạt nhân để kiểm soát chất thải nhựa (Nuclear Technology for Controlling Plastic Pollution – NUTEC).

Để hạn chế RTN, luật quốc tế đã có nỗ lực thông qua một số Công ước quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển như Công ước Paris năm 1974 về ngăn ngừa ô nhiễm biển có nguồn gốc từ đất liền, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy năm 2001, Hướng dẫn Montreal về ô nhiễm biển có nguồn gốc từ đất liền năm 1985, Tuyên bố Washingon và Chương trình hành động toàn cầu về bảo vệ môi trường biển do nguồn ô nhiễm từ đất liền năm 1995, Công ước London về ngăn ngừa ô nhiễm từ việc nhận chìm chất thải trên biển (Công ước London) năm 1972, Nghị định thư về ngăn ngừa ô nhiễm biển do hoạt động đổ chất thải và các vật chất khác năm 1996, Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra năm 1973 và Nghị định thư của Công ước năm 1978 (MARPOL 73/78). Phụ lục III của MARPOL 73/78 quy định về việc ngăn ngừa ô nhiễm bởi các chất độc hại được vận chuyển bằng đường biển ở dạng đóng gói, bao gồm các tiêu chuẩn liên quan đến bao bì, tiếp thị, ghi nhãn, tài liệu, xếp hàng và giới hạn số lượng. Phụ lục V quy định về ngăn ngừa ô nhiễm bởi rác thải từ tàu. Nó áp dụng cho tất cả các tàu và điều chỉnh các loại rác khác nhau, việc xả thải từ tàu xuống biển của tất cả các loại nhựa đều bị cấm. Công ước Basel về kiểm soát, vận chuyển qua biên giới các phế thải nguy hiểm và việc tiêu hủy chúng năm 1989, Phụ lục I của Công ước liệt kê các loại phế thải nguy hiểm phải được kiểm soát, bao gồm các nguồn: Y1 Phế thải y tế từ bệnh viện, trung tâm y tế, trạm xá; Y2 Phế thải từ sản xuất và pha chiết các sản phẩm dược. Các vật liệu rắn hoặc phế thải của vật liệu rắn dễ cháy, Vật liệu gây độc hại cho hệ sinh thái. Vật liệu hoặc phế thải, nếu bị vứt bừa bãi, sẽ gây ra hoặc có nguy cơ gây ra tác động hại trước mắt hoặc sau này đối với môi trường. Phế thải còn lại sau khi đốt các phế thải nội trợ. Các phế thải, vì lý do phóng xạ, sẽ phải tuân thủ những hệ thống kiểm soát quốc tế khác, bao gồm cả những văn kiện quốc tế áp dụng riêng biệt cho các vật liệu phóng xạ. Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) yêu cầu các bên tham gia, là các quốc gia hoặc các tổ chức kinh tế khu vực hợp nhất, phải nỗ lực trong việc quản lý, giảm thiểu liên tục và tiến tới loại trừ hoàn toàn việc sản xuất và sử dụng các chất POP. Tuy nhiên việc thực thi các Công ước này còn rất khiêm tốn do việc thiếu nguồn lực, nhận thức chưa tương xứng và các biện pháp cưỡng chế không đủ mạnh. Hơn nữa các Công ước này đề cập chung tới ô nhiễm có nguồn gốc từ đất liền, ít đề cập tới các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát RTN, một loại rác thải đặc thù và chiếm tỷ trọng nguy hiệm trong số Rác thải từ đất liền ra biển. Ngày càng nhiều quốc gia ủng hộ ý tưởng xây dựng một Công ước quốc tế về RTN. Ở cấp độ quốc gia, đã có 127 nước thông qua luật về sử dụng các túi nhựa dùng một lần.[8]

Chính phủ, các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp cần phải làm việc cùng nhau để thiết kế lại các sản phẩm, suy nghĩ lại về cách tái chế, tái sử dụng và phân hủy RTN. Các nghiên cứu mới về ảnh hưởng RTN tới các nhà hoạch định chính sách, các nhà sản xuất và người tiêu thụ cần được hỗ trợ phát triển. Các biện pháp hiệu quả đấu tranh chống RTN đã vượt ra khỏi khuôn khổ quản lý chất thải mà cần xem xét mọi khía cạnh tác động của nhựa trong cả vòng đời từ thiết kế, sản xuất, tiêu thủ, tái chế, tái sử dụng, phân hủy.

Hình mẫu tháp quản lý zero chất thải của IUCN 2018 cho thấy, nguồn ô nhiễm RT, bao gồm cả RTN nhiều nhất là do tiêu dùng, tiếp đến là sản xuất, tái chế. Vì vậy việc nâng cao nhận thức của người dân kết hợp với các biện pháp quản lý các ngành công nghiệp, nông nghiệp, các hoạt động sản xuất, tái chế, tái sử dụng là rất quan trọng.

IUCN, Issues Brief, Marine Plastic, May 2018

 

Trong cuộc đấu tranh này, vai trò của giới trẻ, nhất là sinh viên rất quan trọng. Là lực lượng trẻ, ảnh hưởng tới tiêu thụ túi nhựa dùng một lần nhiều nhất, và các đồ dùng nhựa khác họ cần có nhận thức đúng về rác thải để đưa ra những quyết định của mình và tác động đến quá trình ra quyết định tiêu thụ của những người sử dụng đồ nhựa khác. Họ đồng thời còn là lực lượng lao động có trí thức, tham gia vào quá trình sản xuất, thiết kế, sáng tạo của một quốc gia. Sinh viên là cầu nối giữa các thế hệ hiện tại và tương lai. Ngăn chặn, kiểm soát và loại bỏ rác thải nhựa không chỉ là vấn đề khoa học kỹ thuật, của tái chế, tái sử dụng mà trước hết đó là vấn đề cá nhân – sự lựa chọn sử dụng đồ nhựa trong sản xuất và sinh hoạt của mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp. Kiến thức về nguồn, về độ ô nhiễm, ảnh hưởng độc hại của RTN vào môi trường, trách nhiệm với cộng đồng là những yếu tố quan trọng cần trang bị cho giới trẻ, nhất là sinh viên của các trường Đại học trên thế giới.

Các trường ĐH trên thế giới đã đi tiên phong trong việc nâng cao nhận thức về ô nhiễm RTN trong giới trẻ, đặc biệt là sinh viên. Sinh viên có thể được huy động giúp:

– Thu thập các thông tin chung về nhựa, đặc biết khối lượng sản xuất và ô nhiễm, các nhà sản xuất và tiêu thụ chính;

– Thu thập thông tin về sản xuất nhựa và ảnh hưởng của chúng, bao gồm cả các thông tin về ô nhiễm biển và không khí;

– Thu thập thông tin về tác động đến sức khỏe và các tác động khác đến người tiêu dùng của nhựa, bao gồm các mỹ phẩm;

– Thu thập thông tin về tác động tới sức khỏe và môi trường của các công nghệ giải quyết ô nhiễm nhựa bao gồm các lò đốt và công nghệ đốt RTN;

– Thu thập thông tin còn thiếu trong vòng đời ảnh hưởng của nhựa;

– Thu thập và tham gia quá trình ra quyết định, xây dựng chính sách và thể chế về nhựa, trong hực thi các chính sách, pháp luật và thể chế về sản phẩm nhựa và quá trình sản xuất, tiêu thụ;

– Tham gia nghiên cứu về ảnh hưởng của nhựa tới quyền con người, đặc biệt quyền của các nhóm thiểu số dễ bị tổn thương, bao gồm công nhân, trẻ em, phụ nữ và người bản xứ;

– Thu thập thông tin về bồi thường thiệt hại vi phạm lạm dụng quyền con người trong sản xuất và gây ô nhiễm nhựa;

– Thu thập thông tin về các nguồn ô nhiễm xuyên biên giới và trách nhiệm quốc gia;

– Thu thập thông tin về quản lý và báo cáo các tai nạn liên quan đến sản xuất và ô nhiễm nhựa;

– Tham gia quá trình quảng bá, nâng cao nhận thức về RTN thông qua các chương trình thông tin đại chúng;

– Tham gia trong xác định, thiết kế và thực thi các giải pháp đấu tranh với nguy cơ ô nhiễm nhựa.

Không chỉ giúp tuyên truyền nâng cao nhận thức về RTN, sinh viên còn tham gia tích cực vào công tác nghiên cứu, phát minh sáng chế, đưa ra các giải pháp hữu ích ngăn ngừa và quản lý RTN. Còn quá nhiều khoảng trống trong tri thức nhân loại về ảnh hưởng của ô nhiễm RTN và cách tốt nhất để loại bỏ, hay xử lý chúng. Các vấn đề này cần được định hướng rõ trong công tác nghiên cứu của câc Viện và trường Đại học cần xác định các tồn tại, các nghiên cứu đã tiến hành và cần tiến hành cũng như định ra các ưu tiên trong nghiên cứu và ứng dụng.

 

Để làm tốt được sứ mệnh của mình, sinh viên cần được tham gia và cần được trang bị đủ thông tin về nguồn, tính chất, đặc điểm và mức độ ô nhiễm cũng như tác hại của ô nhiễm nhựa và chất vi nhựa.  Các chương trình giáo dục cho Sinh viên cần đạt được các mục tiêu:

(1) nhận được kiến thức tổng quan;

(2) hiểu được các khái niệm chuyên môn, nhựa, vi nhựa, chất hữu cơ khó phân hủy

(3) xác định được các vật liệu đồ uống và dệt may có chưa vi nhựa;

(4) hiểu được cơ chế nhựa và vi nhựa đi vào môi trường;

(5) hiểu và nhận thức được các tác hại của nhựa và vi nhựa tới các động vật biển, các hệ sinh thái;

(6) phát hiện được các mặt lợi và hạn chế của việc sử dụng một lần, sử dụng nhiều lần và có thể thay thế các sản phẩm nhựa;

(7) phát triển nhận thức làm sao giảm thiểu đổ thải cá nhân nhựa và vi nhựa vào môi trường.

Các trường ĐH trên thế giới đã có nhiều sáng tạo trong lồng ghép học phần quản lý rác thải nhựa vào các chương trình đào tạo đại học. Các khóa học thường tổ chức theo các modules như Nhận thức, đánh giá và trao đổi thông tin; Mô hình Khoa học, Luật, Cơ học và Lý thuyết giải thích các hiện tượng tự nhiên; Các giải pháp thiết kế và xây dựng; Các mô hình phát triển và sử dụng; Ảnh hưởng của Khoa học, Công nghệ và Xã hội lên tự nhiên. [9]

Một số trường ĐH ở châu Âu đã có các chương trình STEM được tiếp nối từ các cấp học phổ thông. STEM sẽ giúp phát triển phong phú hơn chính sách giáo dục, kết hợp vấn đề môi trường với khoa học kỹ thuật, kỹ năng và toán thành E-STEM (Environmental, Science, Technology, Engineering and Mathematic).[10]

Đại học Y khoa Harvard có khóa học riêng về nghiên cứu RTN và đi ngoại khóa vào dịp cuối tuần để hiểu thêm về tái sử dụng hay tái chế RTN.[11]

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

Tiếng Việt

  1. Bộ TNMT, Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2019 – Chuyên đề Quản lý chất thải rắn sinh hoạt
  2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 2018. Bộ tiêu chí bảo vệ môi trường đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch.
  3. Dương Thị Phương Anh, 2016. Báo cáo tổng hợp Đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế về kiểm soát chất thải nhựa trên biển”, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường.
  4. Dư Văn Toán, Nguyễn Thùy Vân, Mai Kiên Định, Phạm Văn Hiếu, Nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa tại các khu du lịch biển – đảo Việt Nam, Đề xuất giải pháp giảm thiểu phát thải, 2020.
  5. IUCN-EA-QUANTIS (2020). Hướng dẫn quốc gia về Xác định điểm nóng ô nhiễm nhựa và Xây dựng hành động. Báo cáo quốc gia Việt Nam.
  6.  Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
  7. Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
  8. Trần Khánh Đức, Giáo trình Giáo dục Đại học – Việt Nam và Thế giới, Đại học quốc gia Hà Nội 2012
  9. Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, 2017. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch.
  10. Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, 2019. Báo cáo Dự án “Xây dựng dự thảo kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

 

 

Tiếng Anh

  1. Aliani S, Molcard A (2003) Hitch-Hiking on floating marine debris: macrobenthic species in the Western Mediterranean Sea. Hydrobiologia 503(1): 59 – 67.
  2. Carson HS, Colbert SL, Kaylor MJ, McDermid KJ (2011) Small plastic debris changes water movement and heat transfer through beach sediments. Mar Pollut Bull 62(8):1708 – 1713.
  3. Cauwenberghe L.V. and C. R. Janssen (2014) Microplastics in bivalves cultured for human consumption. Environmental Pollution, 193. 65 – 70.
  4. Greenpeace (2017) https://www.greenpeace.org/international/story/11871/the-ocean-plastic-crisis
  5. Fendall LS, Sewell MA (2009) Contributing to marine pollution by washing your face: microplastics in facial cleansers. Mar Pollut Bull 58(8):1225 – 1228.
  6. Jambeck J.R., R. Geyer, C. Wilcox, T. R. Siegler, M. Perryman, A. Andrady, R. Narayan, K. L. Law (2015) Plastic waste inputs from land into the ocean. Science 347, 768 – 771.
  7. Laist DW (1997) Impacts of marine debris: entanglement of marine life in marine debris including a comprehensive list of species with entanglement and ingestion records. In: Coe JM, Rogers DB (eds) Marine debris: sources, impacts, and solutions. Springer Series on Environmental Management, pp 99 – 139.

Geyer, R., Jambeck, J. R. & Law, K. L. Production, use, and fate of all plastics ever made Supplementary Information. Sci. Adv. 3, 19–24 (2017).

  1. Phuong, N. H. (2020). The legal, policy and institutional frameworks governing marine plastics in Viet Nam. Bonn, Germany: IUCN Environmental Law Centre. 18pp.
  2. UNEP, Our planet is drowning in plastic pollution—it’s time for change!, https://www.unep.org/interactive/beat-plastic-pollution/
  3. UNGA, Play it out against plasctic pollution, https://www.un.org/pga/73/playitout/
  4. WWF, No Plastic in Nature, Asessing plastic ingestion from Nature to People, 2019, t.6