Nội dung về rác thải nhựa trong các chương trình đào tạo tại Pháp

Thời gian đọc: 5 phút

 

  1. Vấn đề rác thải nhựa biển tại Pháp

Theo thống kê của tổ chức Ellen MacArthur Foundation, mỗi năm, lượng rác thải nhựa gây ra ô nhiễm cho hệ sinh thái biển là 8 triệu tấn. Khối lượng này tương đương với 1 xe tải chứa đầy rác đổ ra biển mỗi phút. Nếu các quốc gia không có những hành động cụ thể để ngăn chặn tình trạng này, thì đến năm 2030, ước tính con số này sẽ là 2 xe tải rác đổ ra biển mỗi phút và đến năm 2050 sẽ là 4 xe mỗi phút.

Đối với lượng chất thải khổng lồ này, hầu hết chúng sẽ không nổi trên mặt biển. Theo thời gian nhựa sẽ bị phân huỷ thành những mảnh nhỏ và trở thành mối nguy hại cho các loại sinh vật biển khi chúng có thể nhầm lẫn đây là thức ăn. Theo ước tính, có khoảng 5 nghìn tỷ hạt nhựa đang trôi nổi trên bề mặt biển hiện nay.

Tại Pháp, bất chấp mọi nỗ lực, ước tính quốc gia này đã góp phần thải ra 80 nghìn tấn nhựa vào tự nhiên mỗi năm, trong đó hơn 10 nghìn tấn đã bị đổ vào biển Địa Trung Hải. Chất thải nhựa của Pháp ở biển Địa Trung Hải chủ yếu đến từ các hoạt động ven biển (79%), đặc biệt, một phần trong số đó là do công tác quản lý chất thải kém hiệu quả của địa phương và tác động của các hoạt động du lịch. Ngoài ra, 12% lượng chất thải là do các con sông mang tới, trong khi đó 9% nguồn ô nhiễm trực tiếp là do các hoạt động hàng hải như đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, vận tải,… gây ra.

Trong số các quốc gia ven biển Địa Trung Hải, Pháp là quốc gia đổ rác thải nhựa ra vùng biển này nhiều nhất (4,5 triệu tấn vào năm 2016). Phần lớn lượng rác thải nhựa này (66%) vẫn còn trôi nổi trên mặt biển sau 1 năm. Trong khi đó, khoảng 21% sẽ quay trở lại bờ biển nước này và 11% sẽ chìm xuống đáy biển. Những chất thải nhựa này sẽ gây ô nhiễm hệ sinh thái và đe dọa sự tồn tại của các loài sinh vật biển.

Biểu đồ thể hiện tỷ lệ xử lý rác thải nhựa nói chung và bao bì nhựa nói riêng tại Pháp và châu Âu trong năm 2018

(màu xanh: tỷ lệ tái chế; màu vàng: tỷ lệ thu hồi năng lượng; màu đỏ: tỷ lệ loại bỏ

Cột1: rác thải nhựa tại Pháp; Cột 2: bao bì nhựa tại Pháp; Cột 3: rác thải nhựa tại châu Âu; Cột 4: bao bì nhựa tại châu Âu )

Cũng theo một bài viết trên tờ LesEchos của Pháp[1], Pháp là một trong những nước tiêu thụ nhựa chính ở châu Âu. Theo một vài báo cáo, nước này sử dụng 4,8 triệu tấn nhựa mỗi năm, tương đương 70kg/người. Trong số đó, sản xuất bao bì là ngành tiêu thụ nhựa nhiều nhất với 45%. Chính vì thế, Pháp là quốc gia phải chịu trách nhiệm cho gần 60% trong số 3,5 triệu tấn rác thải nhựa được tạo ra mỗi năm. Còn về tỷ lệ tái chế rác thải, quốc gia này mới chỉ đạt con số 26%.

 

Biểu đồ thể hiện lượng vật liệu nhựa tiêu thụ trong các ngành sản xuất tại Pháp năm 2017

(Ngành sản xuất bao bì, chai nhựa,…: 45,5% ; Ngành xây dựng: 18,7% ; Nông nghiệp: 2,6% ; Chế tạo ô tô: 10% ; Nội thất: 4% ; Ngành điện và điện tử: 5,3% ; Các ngành khác: 13,9%)

 

 

2. Chủ trương phát triển các học phần về rác thải nhựa tại Pháp

Tại Pháp, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ trình độ để ứng phó trước những thách thức và ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu, việc lồng ghép các học phần và bộ môn giảng dạy về quản lý và xử lý rác thải đã có từ nhiều năm nay. Đa phần những chương trình này được giảng dạy bắt đầu từ bậc đại học và sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) tại các cơ sở giáo dục công lập của Pháp, còn chỉ có một số ít các trường đại học tư thục (hoặc Trường lớn) có giảng dạy các môn học về lĩnh vực này.

Tuy nhiên, đối với quản lý rác thải nhựa biển thì các trường, các cấp học tại Pháp vẫn chưa có một chương trình giảng dạy cụ thể và riêng biệt. Các môn học về quản lý rác thải nhựa thông thường sẽ được lồng ghép song song trong các học phần về quản lý và xử lý rác thải nói chung.

  1. 1. Viện Đại học Công nghệ thuộc Đại học Tours

Viện Đại học Công nghệ thuộc Đại học Tours (IUT de Tours) có chương trình đào tạo bậc cử nhân ngành Rác thải và Kinh tế tuần hoàn (Déchets et Economie Circulaire)[2] cung cấp cho các sinh viên những kiến ​​thức khoa học và kỹ thuật để giúp họ hiểu được các vấn đề liên quan đến phòng ngừa và quản lý chất thải (như thu gom, thu hồi và xử lý) trong cộng đồng và trong các công ty tư nhân. Sau khi kết thúc khóa đào tạo này, các sinh viên tốt nghiệp có thể nắm vững được một số kỹ năng chuyên môn như:

  • Hiểu và nắm vững các quy định về mặt pháp luật trong việc quản lý chất thải
  • Nắm vững các thủ tục cấp chứng nhận tiêu chuẩn như ISO 9000, 14000
  • Biết cách phân loại chất thải và các công cụ quản lý
  • Biết cách kiểm soát các vấn đề rủi ro đối với môi trường
  • Biết sử dụng các công cụ máy tính văn phòng, bản đồ,… trong quản lý và các kỹ thuật giao tiếp.

Vị trí, nghề nghiệp hướng tới sau khi kết thúc khoá học này: kỹ thuật viên xử lý chất thải, giám đốc hoặc trợ lý vận hành và quản lý chất thải, điều phối viên môi trường,…

Đối tượng đào tạo hướng tới của ngành Rác thải và Kinh tế tuần hoàn này là các sinh viên đã hoàn thành xong 2 năm đầu tiên của chương trình đại học (tương đương Bac +2 với 120 tín chỉ) của một số ngành có liên quan như kỹ sư môi trường, hoá học, khoa học, dịch vụ môi trường,…

Chương trình đào tạo này sẽ diễn ra trong vòng 1 năm (năm cuối đại học – Bac +3) với tổng cộng 600 giờ học (450 giờ lý thuyết và 150 giờ làm đồ án, thực hành – tương đương 60 tín chỉ) với tổng cộng 6 học phần bao gồm:

  • Luật và quản lý (gồm các môn học như Các quy định và luật về môi trường, Quản lý môi trường, Các vấn đề về kinh tế và xã hội,…).
  • Rác thải và môi trường ( gồm các môn học như Sức khoẻ và các rủi ro, Phân loại chất thải, Giảm thiểu chất thải,…)
  • Kỹ thuật chất thải ( gồm các môn học như Tái chế, Xử lý sinh – nhiệt học, Lưu trữ,…)
  • Công cụ và kỹ năng giao tiếp ( gồm các môn học như Tin học và các công cụ quản lý, Tiếng Anh, Giao tiếp,…)
  • Đồ án tốt nghiệp
  • Chương trình thực tập

 

  • Đại học Franche-Comté

Trường Đại học Franche-Comté[3] cũng là một cơ sở giáo dục tại Pháp có chương trình đào tạo bậc cử nhân ngành học liên quan tới quản lý rác thải và môi trường với tên gọi: Nghiệp vụ bảo vệ và quản lý môi trường[4] . Chương trình này được giảng dạy vào năm cuối bậc đại học (Bac +3, tương đương 60 tín chỉ) với mục đích đào tạo ra những kỹ thuật viên có chuyên môn cao trong lĩnh vực quản lý và xử lý các loại rác thải.

Sau khoá học 1 năm này, các sinh viên theo học sẽ có được những nền tảng kiến thức và kỹ năng chuyên sâu như :

  • Hiểu các vấn đề chính trị xung quanh việc quản lý chất thải ở Pháp và các khu vực khác trên thế giới.
  • Nắm vững các khái niệm về phát triển bền vững và nền kinh tế tuần hoàn.
  • Biết cách phân biệt các vật liệu và chất gặp phải trong lĩnh vực chất thải và các nguyên tắc hóa lý để áp dụng cho chúng.
  • Xác định và tối ưu hóa các phương pháp quản lý rác thải bằng các kỹ thuật và công nghệ.
  • Xác định các rủi ro về sức khỏe và độc chất gặp phải trong thực tế liên quan đến chất thải.
  • Có kỹ năng quản lý và điều phối các dự án về quản lý chất thải (thu gom, vận chuyển, xử lý,…).
  • Kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ…

Chương trình đào tạo này hướng đến những sinh viên ở trình độ Bac +2 (tương đương đã hoàn thành 2 năm đầu đại học), đã có một cơ sở khoa học và lượng kiến thức căn bản về lĩnh vực chất thải và môi trường.

Về chương trình giảng dạy, xuyên suốt 2 kỳ học, sinh viên bắt buộc phải hoàn thành tổng cộng 10 học phần (bao gồm các giờ học lý thuyết trên giảng đường, giờ thực hành trên lớp, đồ án cá nhân và thực tập), với nhiều kiến thức mang tính đặc thù chuyên môn như : phương pháp xác định đặc tính của chất thải; hoá học nhựa và polyme; sinh thái học; địa chất thuỷ văn; phương pháp xử lý, lưu trữ và thu hồi năng lượng; phát triển bền vững và nền kinh tế tuần hoàn; chính sách pháp luật, kinh tế và thuế trong lĩnh vực chất thải;… Ngoài ra, trong chương trình học, sinh viên cũng được tham gia vào các giờ thực nghiệm tại các cơ sở thu gom và xử lý chất thải tại địa phương.

  • Đại học Mines Nancy

Tại Pháp, sau khi hoàn thành bậc Thạc sĩ (Bac +5), các sinh viên có thể tiếp tục theo học chương trình đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành (Mastère Spécialisé) trong vòng 1 năm (tương đương Bac +6 với 75 tín chỉ) nhằm nâng cao các kỹ năng chuyên môn và thực tiễn cho cấp bậc quản lý.

Ở cấp học này, trường Đại học Mines Nancy có ngành Quản lý, thu gom và tái chế rác thải[5] giảng dạy trong vòng 1 năm với 2 phân ngành là rác thải đô thị và rác thải công nghiệp. Đây là một khóa đào tạo nghiệp vụ hiếm hoi tại Pháp về lĩnh vực chất thải được giảng dạy bởi các Trường lớn (Đại học Mines Nancy kết hợp giảng dạy cùng Trường kỹ thuật nước và môi trường quốc gia Strasbourg và Trường Địa chất quốc gia Nancy). Ngành Quản lý, thu gom và tái chế rác thải là một khoá đào tạo theo định hướng chuyên nghiệp cao, mục đích là đào tạo ra các nhà quản lý dự án tương lai trong lĩnh vực quản lý chất thải. Khóa đào tạo này giúp các học viên có được chuyên môn kỹ thuật chuyên sâu về phòng ngừa, thu gom, xử lý và thu hồi chất thải.

Với chương trình giảng dạy chú trọng vào thực tiễn, các sinh viên sẽ được học các môn lý thuyết tại trường với 500 giờ học, và sau đó là một kỳ thực tập bắt buộc vào cuối năm học với hơn 800 giờ thực hành. Xuyên suốt chương trình giảng dạy, khoá học sẽ tập trung sâu vào các vấn đề xoay quanh quá trình quản lý chất thải với 5 học phần bao gồm : Các chính sách, quy định và vấn đề giảm thiểu chất thải; Tổ chức, thu gom, tái chế và phục hồi; Kinh tế tuần hoàn, xử lý sinh học và hóa lý; Xử lý nhiệt, chất thải đặc biệt và khả năng chấp nhận rủi ro; Lưu trữ chất thải.

Với chương trình giảng dạy mang tính chuyên môn hoá cao, ngành Quản lý, thu gom và tái chế rác thải của Đại học Mines Nancy hướng tới 2 đối tượng chính là các sinh viên đã tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành liên quan (Bac +5) và những người đã đi làm trong lĩnh vực rác thải, môi trường mong muốn có bằng cấp cao hơn để thăng tiến lên cấp quản lý, chuyên gia.

  • Đại học D’Artois

Chương trình trường Đại học D’Artois[6]

Đại học Artois cam kết thực hiện một quá trình phân loại có chọn lọc, như một phần mở rộng của luật chuyển đổi năng lượng cho tăng trưởng xanh (2015). Một trong những mục tiêu của luật này là giảm 50% lượng chất thải được đưa đến bãi chôn lấp vào năm 2025.

Bộ Di sản và Hậu cần (DPL), cùng với Olivier Petit, phụ trách hành động xã hội và sinh thái, cũng như một nhóm sinh viên và nhân viên liên quan đến động lực này, đã cùng nhau đề xuất một giải pháp phù hợp với thế giới học thuật .

Vì vậy, kể từ tháng 4 năm 2019, trên tất cả các cực của Đại học Artois, các khối bao gồm các thùng phân loại chọn lọc đã được cung cấp cho sinh viên và nhân viên trường đại học, ở những nơi đi qua, bên trong và bên ngoài các tòa nhà. Đồng thời, việc quản lý việc loại bỏ các chất thải khác nhau đang được tổ chức lại để cho phép chúng thu hồi.

 

[1] https://www.lesechos.fr/industrie-services/energie-environnement/la-crise-du-plastique-en-dix-graphiques-1181798

 

[2] IUT de Tours, LP DEC (Déchets et Economie Circulaire), https://iut.univ-tours.fr/version-francaise/departement-genie-biologique/lp-dechets-et-economie-circulaire-dec, xem ngày 11/11/2021

[3] Universit é de France Comte, Licence professionnelle métiers de la protection et de la gestion de l’environnement, Gestion et traitements des déchets, http://formation.univ-fcomte.fr/licence-professionnelle/metiers-de-la-protection-et-de-la-gestion-de-lenvironnement-gestion-et

[5] https://mines-nancy.univ-lorraine.fr/formation/mastere-specialise-gestion-traitement-valorisation-dechets-gede/

 

[6] http://www.univ-artois.fr/luniversite/action-ecologique-et-sociale/le-tri-selectif-luniversite