Học phần quản lý rác thải nhựa trong các chương trình đào tạo tại Ba Lan

Thời gian đọc: 5 phút

 

 

Trong vài thập kỷ qua, vai trò của phát triển bền vững ngày càng được đề cao trong giáo dục đại học tại châu Âu (tham khảo Adomssent và Bringer, 2008, Adomssent et etl. 2009). Quản lý rác thải là một phần thiết yếu của phát triển bền vững và giáo dục về vấn đề này đóng vai trò quan trọng để bảo tồn tài nguyên cho các thế hệ tương lai, giảm lượng khí thải carbon dioxide, bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Vì vậy, các trường đại học được kỳ vọng tham gia vào các vấn đề xã hội quan trọng, trong đó có các vấn đề về môi trường. Bản thân việc quản lý rác thải khác nhau phần lớn ở các nước khác nhau, và các sáng kiến giáo dục cộng đồng và trường học nên giúp người dân hiểu được các vấn đề liên quan đến rác thải và cách hành vi của họ có thể giúp cải thiện việc quản lý rác thải. Do đó, việc giáo dục về quản lý rác thải liên quan đến hệ thống quản lý rác thải của khu vực hoặc quốc gia. EU đặt ra các mục tiêu về tái chế rác thải và giảm lấp đất, việc đạt được các mục tiêu này thế nào tùy thuộc vào các nước thành viên. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên đều đặt giáo dục môi trường là điều kiện tiên quyết để có một hệ thống quản lý rác thải hoạt động tốt. Năm 2015, Ủy ban châu Âu thông qua kế hoạch chuyển đổi sang nền kinh tế tuấn hoàn – một kế hoạch đầy tham vọng nhằm quản lý rác thải bền vững hơn dựa trên nền tảng giáo dục.

Michelsen (2011) chỉ ra 03 nhiệm vụ cơ bản đối với trường đại học hướng tới “phát triển bền vững”. Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là trường cần phải nhận thức rõ được sứ mệnh và và vai trò của mình trong phát triển bền vững. Thứ hai, giúp sinh viên tiếp cận gần hơn với các vấn đề về phát triển bền vững, tăng các kỹ năng và kiến thức về các vấn đề này. Thứ ba là vấn đề quản trị. Cuối cùng là tham gia của từng giáo sinh, sinh viên và cán bộ nhân viên trong trường.

 

So với các thành viên Tây Âu trong EU, các nước Trung Đông Âu chuyển đổi từ hệ thống xã hội chủ nghĩa sang kinh tế thị trường như Ba Lan, thì việc đưa vấn đề phát triển bền vững nói chung và quản lý môi trường và rác thải nói riêng vào trong hệ thống giáo dục đại học muộn hơn, một phần do vấn đề thể chế. Những năm gần đây, giáo dục về môi trường tại các cấp bậc học của Ba Lan trở nên sâu rộng hơn. Năm 2016, Bộ Phát triển Ba Lan đã bắt đầu thực hiện Lộ trình “Chuyển đổi hướng tới nền kinh tế tuần hoàn”, được thông qua theo nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng vào tháng 9 năm 2019. Căn cứ vào sắc lệnh của Bộ trưởng Bộ Phát triển, vào tháng 6 năm 2016, Nhóm làm việc về kinh tế tuần hoàn (Nhóm công tác CE) đã được chỉ định với sự tham dự của đại diện các bộ ngành về môi trường, năng lượng, cơ sở hạ tầng và xây dựng, giáo dục, khoa học và giáo dục đại học, chính sách gia đình, việc làm và xã hội, nông nghiệp và phát triển nông thôn, và y tế, cũng như các doanh nhân, đại diện khoa học và các tổ chức khác.

 

Bảng 1. Nhiệm vụ của Bộ giáo dục và Bộ khoa học và giáo dục đại học tại Ba Lan trong việc phát triển kinh tế tuần hoàn

Đề xuất hành động Nội dung
Tạo nền tảng Internet Nền tảng này sẽ cho phép trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý chính phủ, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Nền tảng cung cấp thông tin hướng dẫn về nền kinh tế tuần hoàn, thông tin về các ưu đãi dành cho doanh nhân khởi nghiệp, các chương trình hỗ trợ hiện tại và tài liệu hướng dẫn giáo dục.
Thúc đẩy các mô hình tiêu dùng bền vững trong giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên Các chương trình giáo dục giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định sang suốt. Đó là về: Khả năng đọc và nhận biết nhãn và ký hiệu trên sản phẩm, khả năng phân tích phê bình các thông điệp quảng cáo, khả năng tìm kiếm thông tin về tác động của tiêu dùng đối với môi trường, và kiến thức về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng. Việc lựa chọn các chương trình giáo dục phù hợp sẽ giúp nâng cao nhận thức về sinh thái của trẻ em và thanh thiếu niên, giúp hình thành các thói quen và hành vi phù hợp khi lớn lên.
Đưa vào chương trình giảng dạy các nội dung liên quan đến quản lý tài nguyên hợp lý, công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, việc làm xanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi những thay đổi đáng kể trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Việc phổ biến kiến thức về chủ đề này cho học sinh và thanh niên sẽ góp phần nâng cao mức độ hiểu biết của họ và gia đình họ.  Nó cũng nên chuyển thành sự chấp nhận của xã hội đối với việc thực hiện các hành động cần thiết.
Nâng cao kiến thức về nền kinh tế tuần hoàn và các nguyên tắc xử lý các nguồn lực/ tài nguyên trong giáo dục đại học và bậc cao Đưa vào chương trình giảng dạy các kiến thức về vòng đời sản phẩm và thu thập nguyên liệu thô từ các nguồn mới sẵn có, tức là tài nguyên tái tạo và rác thải, các nguyên tắc thiết kế sinh thái, v.v.

 

Hiện nay, nhu cầu giảng dạy các vấn đề môi trường được đưa vào nhiều văn bản của chính phủ: Hiến pháp Cộng hòa Ba Lan, Chính sách Môi trường Quốc gia, Luật Hệ thống Giáo dục và Luật Bảo vệ Thiên nhiên. Theo các tài liệu này, giáo dục môi trường nên được thực hiện thông qua việc tạo ra một hệ thống giáo dục môi trường ở mọi cấp độ từ mầm non đến đại học. Đối với mỗi cấp độ giảng dạy trong hệ thống giáo dục đã được thể chế hóa, Bộ Giáo dục đã xác định mục tiêu giáo dục môi trường, nội dung cần thực hiện, nhiệm vụ đối với nhà trường và các thước đo đánh giá kết quả học tập của học sinh. Giáo dục môi trường được thực hiện bằng cách đưa nội dung giáo dục môi trường vào chương trình giảng dạy của mọi môn học chính và xây dựng các môn học tự chọn. Lấy ví dụ về trường Đại học Vác-sa-va, trường đại học tổng hợp hàng đầu tại Ba Lan … Đại học Vác-sa-va thành lập trung tâm nghiên cứu về môi trường năm 1989 nhằm phổ biến kiến thức về sinh thái. Hội đồng của trung tâm bao gồm đại diện đến từ các ngành tự nhiên và xã hội như kinh tế, luật, lịch sử, địa lý và nghiên cứu vùng. Trung tâm thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, thảo luận và giới thiệu các thông tin cập nhật về phát triển bền vững trên thế giới. Các sinh viên trong trường có thể lựa chọn các khóa học của trung tâm như môn học tự chọn.

Tại Ba Lan, có rất nhiều cuộc thảo luận về việc đưa bảo vệ môi trường vào các trường đại học như một môn học bắt buộc thông qua một quy định do Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học ban hành. Nội dung về bảo vệ môi trường là bắt buộc đối với các ngành kinh tế, khoa học nhân văn và nghệ thuật, kỹ thuật môi trường, và trước hết, đối với tất cả các chương trình giảng dạy sư phạm (tất cả các chuyên ngành giảng dạy). Đó dường như là một động thái hợp lý, vì hành động của giáo viên khi đó sẽ là có chủ đích (không phải ngẫu nhiên) và họ sẽ sẵn sàng tích hợp nội dung phát triển bền vững hơn vào chương trình giảng dạy của mình (không chỉ chương trình sinh học, hóa học hoặc khoa học tự nhiên).

Không chỉ tại các trường Đại học, kiến thức về bảo vệ môi trường cũng được lồng ghép vào chương trình giảng dạy đối với học sinh các cấp. Mroz và cộng sự (2018)[1] đã làm nghiên cứu đánh giá việc giảng dạy các chủ đề về bảo vệ môi trường cho học sinh/ sinh viên thuộc độ tuổi từ 13-20 tại Ba Lan. Khái niệm bảo vệ môi trường được đề cập trong nghiên cứu là bất kỳ hành động nào để khắc phục hoặc ngăn ngừa thiệt hại đối với môi trường xung quanh hoặc tài nguyên thiên nhiên, để giảm nguy cơ thiệt hại đó hoặc để dẫn đến việc sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả các biện pháp tiết kiệm năng lượng và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Các giáo viên tham gia khảo sát phục vụ cho nghiên cứu được hỏi về các vấn đề phát triển bền vững chính mà họ lồng ghép vào chương trình giảng dạy của mình và cách họ trình bày và thảo luận về những vấn đề này. Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 5 đến tháng 11 năm 201 với các đối tượng khảo sát được mô tả trong bảng 2.

Bảng 2. Tóm tắt đặc điểm chọn mẫu điều tra trong nghiên cứu của Mroz và cộng sự (2018) về đánh giá việc giảng dậy chủ đề bảo vệ môi trường tại trường học

Địa điểm trường Số quan sát Tỷ lệ trên tổng điều tra
Làng 128 37.98
Thị trấn nhỏ 136 40.36
Thành phố lớn 68 20.08
 
Thời gian công tác Số quan sát Tỷ lệ trên tổng điều tra
0-5 năm 36 10.68
6-10 năm 64 18.99
11-15 năm 85 25.22
16-20 năm 102 30.1
Trên 21 năm 50 15
     
Môn học giảng dạy Số quan sát Tỷ lệ trên tổng điều tra
Tiếng Ba Lan
Khoa học xã hội và nhân văn (kiến thức dân sự, lịch sử, kiến thức về văn hóa, tinh thần kinh doanh)
Ngoại ngữ
Toán
Khoa học tự nhiên (sinh học, hóa học, vật lý, địa lý, giáo dục đời sống gia đình
Công nghệ thông tin và các môn kỹ thuật
Giáo dục thể chất
Nghệ thuật

Nghiên cứu chỉ ra các giáo viên tham gia khảo sát đều nhận thức được sự cần thiết phải đưa các vấn đề về bảo vệ môi trường vào chương trình giảng dạy. Họ cho rằng cần trang bị cho học sinh/ sinh viên kiến thức và kỹ năng về môi trường xung quanh và một số khía cạnh môi trường toàn cầu (điều kiện chung, các mối đe dọa), vì nó quyết định điều kiện tương lai của thế giới tự nhiên. Đáng chú ý, các tài liệu về bảo vệ môi trường rất sẵn có tại Ba Lan nên giáo viên dễ dàng tiếp cận các nguồn tài liệu để giảng dạy. Các cách thức phổ biến giáo viên đưa nội dung bảo vệ môi trường vào chương trình giảng dạy, gồm: (i) thảo luận về chủ đề bảo vệ môi trường trong chương trình học; (ii) đưa nội dung về bảo vệ môi trường vào lớp học/ hoạt động ngoại khóa; (iii) đưa nội dung bảo vệ môi trường trong bài tập về nhà; (iv) khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường bên ngoài nhà trường. Mroz và cộng sự (2018) kết luận rằng việc đưa nội dung bảo vệ môi trường vào chương trình giảng dạy là cần thiết; tại các trường học mà giáo viên đưa nội dung bảo vệ môi trường vào giảng dạy thì nhận thức của học sinh về môi trường là tích cực; học sinh hiểu và biết bản chất các thảm họa thiên nhiên do hoạt động của con người.

 

[1] Anna Mróz et al. (2018) Environmental Protection in School Curricula:Polish Context. Sustainability2018,10, 4558; doi:10.3390/su10124558