Lồng ghép nội dung quản lý rác thải vào một số chương trình giáo dục tại Châu Âu

Thời gian đọc: 4 phút.

 

Nhằm hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, EU đã đạt ra mục tiêu cho việc tái chế và chôn lấp rác thải. Việc đạt được các mục tiêu này phụ thuộc vào các nước thành viên. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các quốc gia EU đều coi giáo dục môi trường là tiền đề quan trọng cho một hệ thống quản lý chất thải hoạt động tốt và đã đưa ra các chương trình giáo dục khác nhau để giúp người dân có cuộc sống bền vững hơn. Chuyên đề tóm tắt và đưa ra thực trạng lồng ghép nội dung về quản lý rác thải tại một số học phần liên quan đến quản lý rác thải nhựa tại Châu Âu, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc triển khai giáo dục về quản lý rác thải.

 

  1. Một số học phần liên quan đến quản lý rác thải nhựa tại châu Âu

Phần này của chuyên đề đi vào phân tích một số học phần cụ thể liên quan đến rác thải nhựa tại các cấp học ở các quốc gia châu Âu nhằm làm cơ sở tham khảo để phát triển học phần về quản lý rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam.

1.1 Chương trình đào tạo trực tuyến của UN và Đại học Mở Hà Lan về rác thải đại dương

Năm 2015, Liên hiệp quốc hợp tác với Đại học Mở của Hà Lan mở khóa học trực tuyến mở (MOOC) về RT đại dương giúp người học có thể thay đổi hành động và định hướng liên quan đến rác thải đại dương trong khuôn khổ Đối tác Toàn cầu về rác thải đại dương[1]. Hơn 6500 người đã đăng ký khóa học, với các chủ đề chính như sau:

  • Tác động môi trường và các vấn đề xã hội liên quan của RT đại dương;
  • Các giải pháp kỹ thuât, bao gồm việc sử dụng nguyên liệu thay thế và tái chế;
  • Quản lý rác thải đại dương;
  • Nguồn, quy trình, mô hình hóa và giám sát RT biển;
  • Thiết kế và lựa chọn các chiến lược hiệu quả đối với rác biển;
  • Nâng cao nhận thức, giáo dục và tiếp cận cộng đồng, và xây dựng năng lực;
  • Thực hiện các chính sách, luật pháp và các công cụ thị trường;
  • Kỹ năng xây dựng kế hoạch hành động giảm thiểu ô nhiễm rác thải ở biển.

1.2 Chương trình đào tạo đại học Khoa học đại dương tại Đại học Stockholm Thụy Điển[2]

Khóa học này cung cấp cho sinh viên các kiến thức về hệ sinh thái đại dương dọc vùng ven biển Thụy Điển, từ các điều kiện nước lợ tại vùng biển Baltic đến các vùng bờ biển phía Tây.  Ngoài ra, khóa học cũng cung cấp kiến thức tổng quan về các vấn đề môi trường đang tác động tới Thụy Điển và trái đất và các nỗ lực để giải quyết các vấn đề môi trường hiện nay.

Chương trình học gồm 03 năm, trong đó hai năm đầu sinh viên học về các nền tảng sinh học, năm thứ ba tập trung nghiên cứu các vấn đề chuyên biệt về biển và tham gia khóa thực tập sinh nghiên cứu về sinh học biển. Do đây là chương trình học liên quan chặt chẽ đến vấn đề môi trường biển, sinh viên được giảng dạy và tiếp cận kiến thức về rác thải và quản lý rác thải đại dương.

1.3 Chương trình về phát triển bền vững do tổ chức Green Dot lồng ghép vào chương trình giảng dạy tại các trường học ở một số nước EU

Tổ chức Green Dot đã phát triển các chương trình giáo dục và tài liệu giảng dạy cho các trường học. Họ kết hợp chủ đề phức tạp của phát triển bền vững một cách thú vị và mang tính giáo khoa, đồng thời cho phép tích hợp chủ đề này vào chương trình giảng dạy. Theo Gérard Bonhoure, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục Quốc gia Pháp “Các chương trình giảng dạy của trường học ngày nay nên bao gồm các yếu tố giáo dục môi trường nhất quán và chặt chẽ hơn.”. Green Dot đang góp phần thu hẹp khoảng cách này.

Kể từ năm 2000, Ecoembalajes ở Tây Ban Nha đã hợp tác với Ecovidrio, Bộ Môi trường, APAS (Hiệp hội Thúc đẩy Hoạt động Văn hóa – Xã hội) và Quỹ Đa dạng sinh học để phát triển các tài liệu giáo dục cho giáo viên và học sinh từ tám đến mười hai tuổi. Các hướng dẫn về môi trường tập trung vào phân loại, tái chế và tái sử dụng bao bì và chất thải đóng gói. 1.600 trường học và khoảng 170.000 trẻ em hiện đang sử dụng tài liệu. Ecoembalajes cũng hỗ trợ chương trình giáo dục “Giá trị từ Aldeas Infantiles S.O.S.”, chương trình giảng dạy về phân loại và tái chế rác thải được giảng dạy tại 3750 trường học.

Pháp cũng có chương trình giáo dục mang tên “Les ateliers de Roule-taboule” nhằm thúc đẩy hành vi môi trường trên tinh thần tích cực và có trách nhiệm ở trẻ em. Eco-Emballages và mạng lưới liên kết Ecole et Nature đã thực hiện thành công chương trình giáo dục toàn diện ở các thành phố trong hơn mười năm. Hơn hai triệu trẻ em ở hơn 1.000 thành phố trực thuộc Trung ương đã tham gia. Tại các hội thảo khác nhau, các em từ 3 đến 14 tuổi tìm hiểu về tác động của bao bì đối với môi trường và cùng nhau tìm ra giải pháp. Họ cũng học cách tranh luận về quan điểm liên quan đến môi trường trong các cuộc tranh luận dân chủ. Mục tiêu của dự án là xác định trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với thói quen và thái độ của người tiêu dùng đối với chất thải. Eco-Emballages cũng đã hợp tác với nhà quản lý giáo dục  Nathan để phát triển các buổi học trên lớp với các bài tập thực hành về các chủ đề rác thải, CO2 và nước dành cho bậc tiểu học.

Các trường học ở Latvia cũng dành ưu tiên cao trong việc cung cấp cho giáo viên các khóa đào tạo lý thuyết và thực hành để họ có thể thay đổi thái độ đối với chất thải và thói quen tiêu dùng. Vào tháng 9 năm 2001, Latvijas Zalais Punkts đã thành lập “Green Dot School”. Tỷ lệ trường học tham gia dự án tăng  từ 15 đến 20% mỗi năm học ngoại khóa. 220 trường học chiếm khoảng 30% cơ sở giáo dục của Lativa với 90.000 trẻ em hiện đang tham gia dự án. Bộ giáo dục Latvia đã công nhận và cho phép sử dụng sách “On the Green Dot Track” trong chương trình giảng dạy cho học sinh về việc cần bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phân loại bao bì đã qua sử dụng và học cách tái chế bao bì.

ÖKO-Pannon đang thực hiện các dự án tương tự tại các trường mầm non, tiểu học và trung học ở Hungary. Tổ chức Green Dot đã phát triển chương trình Giáo dục Quản lý Chất thải tích hợp. Chương trình cho thấy toàn bộ vòng đời của bao bì từ sản xuất, thông qua bán lẻ, phân loại chất thải và tái chế. Các bài tập, sách bài tập, sách vẽ tranh, sách truyện, truyện tranh, sách giáo khoa, các buổi học trên lớp và các tài liệu khác được phát triển cho giáo viên làm tài liệu giảng dạy. Theo phương châm “Dạy cho giáo viên”, chính quyền thành phố phối hợp các công ty quản lý chất thải thành phố tổ chức các cuộc hội thảo về môi trường dành cho giáo viên và các chuyên gia giáo dục.

Giáo dục môi trường cũng đã được xây dựng thành công tại các trường tiểu học của Bỉ, nơi 2.000 lớp học được tổ chức hàng năm về chủ đề các vấn đề liên quan đến chất thải để giúp nâng cao nhận thức về môi trường. FOST plus, hợp tác với các nhà chức trách địa phương, tổ chức các lớp học liên quan đến tất cả các khía cạnh của quản lý chất thải. Một trong những công cụ học tập thực tế là bộ dụng cụ tái chế giúp điều chỉnh các bước khác nhau trong quy trình tái chế.

Trên đây chỉ là những ví dụ nhỏ trong việc triển khai đưa nội dung về quản lý rác thải vào chương trình giảng dạy cho học sinh từ cấp tiểu học đến hết trung học phổ thông tạ 26 nước EU. Các sáng kiến này cho thấy việc cung cấp cả kỹ năng thực hành và kiến thức nền tảng lý thuyết mang lại hiệu quả tốt nhất trong việc thúc đẩy mọi người nhận thức về môi trường. Ngoài mục tiêu đơn thuần là nâng cao nhận thức về phân loại và tái chế rác thải, các chương trình giáo dục đã giúp nâng cao hiểu biết về phát triển bền vững, cung cấp cho trẻ em khả năng hành động và xây dựng các giá trị cần thiết của quan hệ đối tác và trách nhiệm cần thiết cho cuộc sống cộng đồng.

  1. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Thực tiễn việc triển khai giáo dục về môi trường và rác thải châu Âu cho thấy các cơ sở giáo dục đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách và giáo dục cho cộng đồng về việc cần thiết phải bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững. Vì vậy, việc đưa nội dung về quản lý rác thải vào chương trình giảng dạy cần thực hiện tại mọi cấp độ và nội dung giảng dạy phù hợp với từng cấp độ học. Đối với các cơ sở giáo dục đại học, thông qua việc tạo ra và phổ biến, nghiên cứu, giáo dục và tiếp cận tri thức, các cơ sở giáo dục đại học dẫn đầu con đường hướng tới phát triển bền vững. Do đó, để hướng tới các mục tiêu về môi trường nói riêng và phát triển bền vững nói chung, việc đưa nội dung về phát triển bền vững và môi trường vào chương trình giảng dạy đóng vai trò cấp thiết.

Cần chú ý rằng để việc giáo dục môi trường và quản lý rác thải được thực hiện thành công tại các cơ sở giáo dục cần phải có thể chế phù hợp và sự tham gia của các bên liên quan từ chính quyền, các nhà hoạch định chính sách đến các cơ sở về môi trường. Từ đó, các nội dung trong học phần liên quan đến quản lý rác thải mang tính thực tiễn, góp phần vào bảo vệ môi trường sở tại. Điều rất quan trọng là kết nối các nỗ lực của các trường học nhằm thúc đẩy bảo vệ môi trường với các hoạt động ngoài trường học, ví dụ, với sự hợp tác với các cộng đồng địa phương. Những hành động tích hợp như vậy sẽ có hiệu quả hơn không chỉ đối với học sinh/ sinh viên mà còn đối với cộng đồng.

Các trường đại học cần có những cách tiếp cận mới và phương pháp mới để giao tiếp và giảng dạy, thu hút sự tham gia của sinh viên. Nội dung liên quan đến rác thải và quản lý rác thải có thể được tích hợp trong giáo dục đại học thông qua cách tiếp cận toàn diện và liên ngành / xuyên ngành. Việc tuân thủ các nguyên tắc phát triển bền vững được coi như một sứ mệnh của trường học. Từ đó, các chủ đề phát triển bền vững nói chung và quản lý rác thải nói riêng không chỉ được đề cập trong các chương trình giảng dạy môn học mà còn là các cuộc thi, các dự án, việc tổ chức cơ sở trường học và sự tham gia vào việc bảo vệ môi trường địa phương. Đây là một ví dụ rất tốt về việc thực hiện các nguyên tắc phát triển bền vững một cách thực tế, vì nó không chỉ nâng cao nhận thức của học sinh, giáo viên và cộng đồng địa phương mà còn cho phép thúc đẩy tích cực phát triển bền vững.

Giảng viên cần được hỗ trợ tài liệu và công cụ giảng dạy, giúp họ hiểu các hiểu các giả định và nguyên tắc phát triển bền vững cũng như quản lý rác thải và làm quen với cách đưa các vấn đề liên quan vào chương trình giảng dạy.

 

[1] https://www.unep.org/explore-topics/oceans-seas/what-we-do/addressing-land-based-pollution/global-partnership-marine-2

[2] https://www.su.se/english/search-courses-and-programmes/nmark-1.412289